Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Trồng hoa Tết với canh bạc người nông dân

Canh bạc trồng "hoa Tết".Từ cuối tháng 9, người trồng hoa ở Đà Nẵng đã tất bật xuống giống cho vụ hoa Tết, dẫu biết trồng hoa dịp Tết như đánh bạc với trời nhưng nhiều người vẫn quyết tâm đầu tư.
Không khó để nhận ra đang vào vụ hoa, bởi ở Đà Nẵng, sau nhiều cuộc chỉnh trang đô thị của thành phố đã không còn những khu vực trồng hoa chuyên biệt theo kiểu nhà vườn hay làng hoa như xưa. Thay vào đó, hoa được trồng trên những khu đất trống đã được quy hoạch, phân lô nhưng chưa xây dựng và đêm đến được chiếu sáng bởi ánh điện. Với nhiều người, khung cảnh đó thật đẹp và lạ lẫm ở một thành phố vốn hiện đại, quen với những cảnh mua bán sầm uất hơn là trồng trọt. Nhưng với nông dân đó là hy vọng và kế mưu sinh.
canh-bac-trong-hoa-tet.jpg



Những khu đất trống chưa xây dựng trở thành món quà tết những vườn hoa sẵn sàng dịp cuối năm.
Tất tả bón đất cho những chậu cúc, anh Nguyễn Dũng (tổ 35, P. Hòa Thuận Tây, Q.Hải Châu) nói: "Hoa giống như con gái vậy, lơ ra một chút là rắc rối ngay". Anh cho biết thêm, mùa hoa năm trước có thu nhập khá nên năm nay anh tăng số chậu hoa lên gần 2.000 chậu. "Năm nay do nhuần hai tháng 9 âm lịch nên nông dân tính toán rất kỹ trước khi xuống giống, tính sai khiến hoa nở không trúng Tết thì coi như mất trắng" – anh Dũng nói. Gần 30 năm trồng hoa nên anh Dũng biết những khó khăn của nghề này, từ khi xuống giống thì anh phải bám riết lấy vườn hoa, lo bón phân, tưới nước, trừ sâu bệnh...
Để có được 2.000 chậu hoa đang phát triển, anh Dũng đã phải đầu tư kinh phí hơn 100 triệu đồng, đây là số tiền không nhỏ đối với những nông dân như anh. Tuy vậy, những khoản thu nhập khá từ những vụ hoa trước đã khuyến khích họ mạnh tay đầu tư, mở rộng trồng hoa. Anh Nguyễn Văn Tiếp (tổ 125, P. Hòa Cường Bắc) cho biết, đây là năm thứ hai anh tham gia trồng hoa, năm trước anh đã thu được vài chục triệu đồng nên năm nay tiếp tục ươm giống hơn 400 chậu. "Không riêng gì tôi, nhiều người ở Hòa Cường cũng đã trồng nhiều hơn so với mọi năm, có người đi thuê đất ở các xã của H. Hòa Vang để trồng các loại hoa. Trồng hoa phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên đầu tư nhiều như vậy coi như đánh cược với trời" – anh Tiếp nói.
Chị Trần Thị Nam – Chủ tịch Hội nông dân P. Hòa Cường Bắc - cho biết, chỉ riêng trên địa bàn phường đã có 62 hộ trồng hoa vụ Tết, trên diện tích 11 ha. Phần lớn nông dân đều tận dụng những khu đất bỏ trống, chưa xây dựng công trình để canh tác, số còn lại đi thuê đất ở các xã Hòa Châu, Hòa Tiến (Hòa Vang) trồng hoa. Không riêng gì ở P. Hòa Cường Bắc, theo tìm hiểu của chúng tôi các địa phương chuyên trồng vụ hoa Tết ở Đà Nẵng đều tăng diện tích trồng.
canh-bac-trong-hoa-tet1.jpg
Dù không ít lần thua lỗ nhưng ông Lê Hùng vẫn gắn bó với nghề.
Mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích trồng nhưng người nông dân trồng hoa vẫn phải luôn thấp thỏm lo. Bởi việc trồng hoa tết đối diện với nhiều rủi ro và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. "Sợ nhất là mưa lớn và bão, năm trước tôi đã mất rất nhiều chậu hoa vì bão làm gãy đổ. Nghề này không nặng nhọc nhưng từ lúc xuống giống phải túc trực ở vườn hoa. Vì nếu lơ là, hoa bị sâu bệnh mà không xử lý kịp thì xem như mất hết, nhiều người rơi vào cảnh đó rồi" – anh Tiếp nói cái khó của nghề.
Không chỉ vậy, người trồng hoa cũng gặp những rủi ro rất "trời ơi", như mới đây kẻ nào đó đã vào vườn hoa của anh Nguyễn Quý (Hòa Cường Bắc) trộm nhiều bóng đèn dùng để sưởi ấm cho hoa. Nhiều trường hợp khác, bị kẻ xấu đập phá khi hoa đang vào giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất đối với người trồng hoa là đầu ra cho sản phẩm, khi mà mỗi vụ hoa Tết, sản phẩm của nông dân Đà Nẵng phải cạnh tranh với nhiều địa phương khác. Anh Lê Hùng (tổ 112, P. Hòa Cường Bắc) vẫn còn nhớ ký ức buồn về vụ hoa Tết cách đây chưa lâu.
Kỳ vọng sẽ có thu nhập cao, anh đầu tư số tiền lớn, vào Hòa Tiến thuê đất trồng hoa, tuy nhiên hơn 1.000 chậu hoa cúc của anh chỉ bán được vài chậu gọi là. "Lúc đó tối 30 Tết rồi mà vẫn còn gần 1.000 chậu hoa không có người mua, năm đó lỗ trắng tay" – anh Hùng xót xa kể. Dù không ít lần thất bát như thế, nhưng anh Hùng vẫn bám trụ với nghề, có điều anh không đi thuê đất nữa mà tận dụng khu đất trống để trồng hơn 1.000 chậu cúc. "Đây là nghề truyền thống rồi không thể bỏ được, để có vốn trồng phải đi vay mượn nhiều người. Điều quan trọng là mình phải trồng được hoa đẹp, chất lượng thì không sợ lỗ. Mong năm nay thời tiết thuận lợi để người trồng hoa chúng tôi không phải gặp nhiều rủi ro" – anh Hùng mong mỏi.
Chuyên mục được quan tâm nhiều: Câu chúc tết

Nguồn:cadn.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét